Châu Á - Thái Bình Dương
THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ HỒI GIÁO ÁP-GA-NI-XTAN VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM-ÁP-GA-NI-XTAN
CỘNG HÒA HỒI GIÁO ÁP-GA-NI-XTAN (AFGHANISTAN)
I. Khái quát chung:
- Tên nước Nước Cộng hòa Hồi giáo Áp-ga-ni-xtan (The Islamic Republic of Afghanistan).
- Địa lý Nằm ở Nam Á, Nam và Đông giáp Pa-ki-stan, Tây giáp I-ran, Bắc giáp Turkmenistan, Ta-gi-ki-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan và viễn Đông Bắc giáp Trung Quốc. Phần lớn diện tích là đồi núi hiểm trở, đồng bằng ở phía Bắc và Tây Nam.
- Khí hậu Khô hạn và nửa khô hạn; mùa đông lạnh và mùa hè nóng.
- Diện tích 652.230 km2
- Thủ đô Ca-bun
- Quốc khánh 19/8/1919 (Ngày độc lập)
- Dân số 28.396.000 người (ước tính đến tháng 7/2009), trong đó người Pastun chiếm 42%, Tajik chiếm 27%, Hazara chiếm 9%, Uzbek chiếm 9% và các dân tộc khác chiếm 13%.
- Tôn giáo Đạo Hồi là quốc đạo (dòng Săn-ni chiếm 80%, dòng Si-a chiếm 19%)
- Ngôn ngữ Tiếng chính thức là Da-ri (Ba tư) và Pa-sto
- Đơn vị tiền tệ Áp-ga-ni, 1 USD = 48,5 Áp-ga-ni
- GDP per capita 461 USD năm 2009 (số liệu của IMF)
II. Lịch sử phát triển:
Áp-ga-ni-xtan là đất nước ngã tư đường, giữa Đông và Tây, nơi nhiều nền văn minh Ấn-Âu đã tương tác và xung đột với nhau. Đất nước này vốn là một trung tâm thương mại, di cư cổ đại, từng nhiều lần bị các đế chế khác xâm lược và bản thân cũng đi chinh phục các quốc gia lân bang. Trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Áp-ga-ni-xtan đã trải qua ba cuộc chiến tranh với thực dân Anh (lần thứ nhất từ 1838 - 1842, lần thứ 2 từ 1878 - 1880 và lần thứ 3 từ tháng 5-6 năm 1919), từng mất phần lớn lãnh thổ và quyền tự trị vào tay Anh quốc và chỉ được độc lập hoàn toàn vào tháng 8/1919. Giai đoạn 1919-1973, nhân dân Áp-ga-ni-xtan sống dưới quyền cai trị của Vua Zahir Shah cho đến khi ông này bị chính em rể là Sardar Daoud Khan lật đổ, lên làm Tổng thống trong 5 năm từ 1973-1978.
Tháng 4 năm 1978, Đảng Dân chủ Nhân dân Áp-ga-ni-xtan được Liên Xô giúp đỡ tiến hành cách mạng Saur (Tháng Tư) thành công, thành lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, sau đó Chính quyền của Đảng Dân chủ Nhân dân vấp phải sự chống đối quyết liệt của các lực lượng du kích hồi giáo được sự hẫu thuẫn của Pakistan, Mỹ và một số nước hồi giáo khác. Trước tình thế đó, tháng 12/1979, Liên Xô đưa quân vào Áp-ga-ni-xtan để hỗ trợ Chính phủ nước này, song tình hình không được cải thiện. Tháng 4/1988, Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, theo đó Liên Xô sẽ rút hết quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, các nước ngoài chấm dứt sự hỗ trợ cho các phe phái tham chiến và ngày 15/2/1989, việc rút quân được hoàn thành.
Sau khi Liên Xô tan rã (12/1991), Cộng hòa Áp-ga-ni-xtan mất hoàn toàn chỗ dựa cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Sau hàng loạt thất bại trên chiến trường, Tổng thống Najibullah buộc phải tuyên bố từ chức, chấp nhận trao quyền cho các lực lượng Hồi giáo đối lập. Ngày 28/4/1992, Mujaddadi trở thành Tổng thống lâm thời trong 2 tháng. Hội đồng lâm thời đã đổi tên Cộng hòa Áp-ga-ni-xtan thành Nhà nước Hồi giáo Áp-ga-ni-xtan.
Giai đoạn các lực lượng Hồi giáo Mujahiddeen cầm quyền (1992-1996), tình hình Áp-ga-ni-xtan diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang, tranh giành quyền lực giữa các phe phái diễn ra quyết liệt. Tháng 9/1996, phái Hồi giáo cực đoan Taliban (chủ yếu là người Pashtun) từ khu vực miền Nam Áp-ga-ni-xtan đã chiếm Thủ đô và dần kiểm soát gần như toàn bộ đất nước trong thời gian từ 1996 đến 2001.
Sau sự kiện 11/9, tháng 10/2001, Mỹ và liên quân tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Áp-ga-ni-xtan nhằm tiêu diệt mạng lưới Al Qeada, lật đổ chế độ Taliban được coi là bảo trợ khủng bố. Tháng 12/2001, Hội đồng Bảo an LHQ cho phép thành lập lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế với nòng cốt là binh lính NATO để giúp Áp-ga-ni-xtan khôi phục và duy trì an ninh. Ngày 5/12/2001, tại Bon (Đức) dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, bốn phe phái Áp-ga-ni-xtan gồm Liên minh Miền Bắc, nhóm Bảo hoàng Cựu vương Zahir Shah, nhóm Peshawar (Pakistan) và nhóm lưu vong đã nhất trí về tiến trình chính trị hậu Taliban, thành lập chính quyền dân chủ mới và bầu Hamid Karzai (người Pahstun) làm Chủ tịch Chính quyền lâm thời trong vòng 6 tháng (12/2001-6/2002). Sau Đại hội tộc trưởng (Loya Jigra) tháng 6/2002, Hamid Karzai được bầu làm Tổng thống chính quyền chuyển tiếp tại Áp-ga-ni-xtan trong thời hạn 2 năm. Trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 10/2004, Ông Kazai trúng cử và trở thành vị Tổng thống dân bầu đầu tiên tại Áp-ga-ni-xtan. Tiếp đó các cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức và Quốc hội được thành lập tháng 9/2005.
Dưới chính quyền H.Karzai, Áp-ga-ni-xtan đã có chuyển biến về nhiều mặt. Tuy nhiên, việc lực lượng Taliban ngày càng lớn mạnh, đặc biệt kể từ năm 2007, gây ra nhiều tấn công quân sự, khủng bố, bắt cóc đang là mối đe dọa lớn tới an ninh nước này. Để tăng khả năng ứng phó, Tổng thống Hamid Karzai đã phải cải tổ nội các ngày 11/10/2008 và kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Năm 2009, ông Hamid Karzai đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hồi tháng 8/2009. Tình hình Áp-ga-ni-xtan trong cả năm tiếp tục xấu đi với nhiều vụ khủng bố và đánh bom liều chết. Số lượng thương vong của thường dân, liên quân và quân chính phủ ngày càng tăng. Tổng thống mới của Mỹ đã thông qua chiến lược tổng thể với khu vực Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan hồi tháng 3/2009 và đưa ra những đánh giá và thay đổi trong việc triển khai chiến lược này ngày 1/12/2009. Mỹ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cả về quân sự lẫn tài chính cho Áp-ga-ni-xtan.
III. Thể chế chính trị:
- Chính thể: Cộng hòa Hồi giáo
- Hiến pháp và hệ thống hành pháp: Ngày 16/1/2004, Đại hội tộc trưởng (Loya Jirga) đã thông qua bản hiến pháp mới, quy định Tổng thống do nhân dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm và không giữ chức quá 2 nhiệm kỳ. Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh quân đội, có quyền chỉ định các Phó Tổng thống, các Bộ trưởng, các thẩm phán, bổ nhiệm 1/3 thành viên Thượng viện.
Quốc hội: gồm Thượng viện và Hạ viện.
Đơn vị hành chính: Gồm 34 tỉnh, thành.
Tổng thống hiện tại: Ha-mit Ca-dai (Hamid Karzai – từ tháng 11/2009)
Phó Tổng thống: Mohammad Qasim Fahim (Thứ nhất, từ tháng 11/2009)
Ngoại trưởng: Dr. Rangin Dadfar Spanta
Bộ trưởng Quốc phòng: Tướng Abdurrahim Wardak
IV. Kinh tế-xã hội:
- Kinh tế Áp-ga-ni-xtan tăng trưởng khá trong những năm gần đây, GDP tăng 14% (2005), 12% (2006), 13,9 % (2007) và 7,5% (2008). GDP trong năm tài chính 2008-2009 đạt khoảng 14,02 tỉ USD. Phần lớn những kết quả tích cực này đạt được là nhờ vào các dự án tái thiết và viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, do hậu quả chiến tranh nặng nề, xung đột kéo dài và thiên tai, nền kinh tế Áp-ga-ni-xtan tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.
- Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước Phương Tây tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Áp-ga-ni-xtan phát triển kinh tế, xây dựng chính quyền, huấn luyện lực lượng quân đội và cảnh sát. Tổng số tiền viện trợ được cam kết từ năm 2002-2008 lên tới 25 tỷ USD và đã giải ngân được 15 tỷ USD. Các nước tham gia Hội nghị hỗ trợ tái thiết Áp-ga-ni-xtan tại Pháp ngày 12/6/2008 đã cam kết viện trợ cho Áp-ga-ni-xtan tổng cộng 21,416 tỷ USD trong thời kỳ 2008-2010. Cũng tại Hội nghị này, 5 trong 10 nước ASEAN (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a,Xinh-ga-po, Brunei và Việt Nam) đều cam kết giúp đỡ Áp-ga-ni-xtan dưới hình thức tăng cường hợp tác hoặc tham gia các dự án tăng cường phát triển nguồn nhân lực. Ấn Độ đã viện trợ cho Áp-ga-ni-xtan tổng cộng 1,2 tỷ USD.
- Hiện nay, vấn đề hồi hương người tị nạn đang là một gánh nặng lớn đối với Áp-ga-ni-xtan. Hiện có hàng triệu người tị nạn Áp-ga-ni-xtan tại các nước láng giềng và các khu vực biên giới, trong đó đa số là tại Pa-ki-xtan và I-ran. Bên cạnh đó, chính phủ tiếp tục gặp khó khăn trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện và chống buôn lậu ma tuý tại một số địa phương của Áp-ga-ni-xtan do Taliban chiếm đóng.
V. Chính sách đối ngoại:
Áp-ga-ni-xtan thực hiện chính sách đối ngoại tập trung vào quan hệ với các nước phương Tây (Mỹ, EU, Nhật Bản..) và các nước láng giềng (Ấn Độ, Pa-ki-xtan..) để tranh thủ viện trợ, bảo đảm an ninh cho quá trình tái thiết đất nước. Nhiều nước trên thế giới đã tham gia vào các hoạt động quân sự, viện trợ nhân đạo, tái thiết và giao thương với Áp-ga-ni-xtan. Áp-ga-ni-xtan đã trao đổi nhiều đoàn Lãnh đạo các cấp với hàng loạt quốc gia, nhất là Mỹ và EU, các nước láng giềng…Nhiều nước đã mở lại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán tại Ca-bun và các thành phố khác.
VI. Quan hệ với Việt Nam:
Việt Nam và Áp-ga-ni-xtan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 16/9/1974; Tháng 11/1978, ta mở Đại sứ quán tại Ca-bun; tháng 6/1992, ta đóng cửa Đại sứ quán do khó khăn về kinh tế và nội chiến tại Áp-ga-ni-xtan. Tháng 8/1993, Áp-ga-ni-xtan đóng cửa Đại sứ quán tại Việt Nam.
Việt Nam công nhận Chính phủ do Tổng thống Ha-mít Ca-dai đứng đầu và đã viện trợ nhân đạo 300 nghìn USD cho Áp-ga-ni-xtan thông qua tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đầu năm 2002. Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị Tokyo vể tái thiết Áp-ga-ni-xtan (2001) và một số Hội nghị khác về Áp-ga-ni-xtan. Ta đã cam kết tổ chức một Chương trình đào tạo ngắn hạn cho các quan chức Chính phủ Áp-ga-ni-xtan.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 66 triệu USD (2008).